“Tùng…tùng…tùng…”-tiếng trống trường thúc giục các cô cậu học trò vào trường buổi sáng đã vang lên; và tôi, một học sinh đi muộn, đang hớt hơ hớt hải phóng xe vào trường.
- Sao giờ này mới đi học hả cháu? -một giọng nói vang lên làm tôi giật mình, vội vàng ngẩng mặt lên
“Thì ra là bác bảo vệ…Hú hồn…Cứ tưởng là sao đỏ…”- tôi vừa nghĩ, vừa cười hì hì với bác, để xe vào chỗ rồi chạy vội lên lớp…
Không chỉ riêng tôi, mà có lẽ với mỗi học sinh trường THCS Kim Giang, bác bảo vệ là một phần đặc biệt không thể thiếu trong những ngày tháng học cấp II tại ngôi trường này. Sáng đi học, qua cổng trường ghé vào chào bác; chiều về, lúc đưa vé xe cho bác cũng chào bác; ngày có hai lần như vậy thôi, nhưng khi thấy nụ cười hóm hỉnh hay cái gật đầu của bác là tôi thấy ngày hôm ấy bỗng dưng đẹp hơn một chút, tinh thần tỉnh táo hơn một chút rồi.
Trường tôi có ba bác bảo vệ, nhưng tôi vẫn thấy quý bác nhất. Bác vui tính, và rất thân thiện. Đôi khi dành thời gian chờ bố mẹ đón buổi trưa, ngồi trò chuyện với bác một chút mà say sưa đến quên cả giờ về. Mà cũng chỉ kể với bác toàn là chuyện trường lớp, thế mà thoắt một cái, kim dài đã từ số 12 chạy tít ra số 9 rồi! Nhớ những buổi trưa vác cái bụng đói meo sau các tiết học chạy vội khi tan học, ấy thế mà đến cổng trường lại dừng lại, ngồi kể với bác mọi chuyện trên trời dưới biển đến quên cả đói, phải đến lúc bụng réo “òng ọc” mới nhớ ra là mình chưa ăn cơm. Những kỉ niệm ấy, làm sao mà quên được!
Bác bảo vệ vui tính là thế, nhưng bác cũng rất nghiêm khắc đấy! Những bạn đi xe đạp đến trường chắc hẳn phải có một lần mất vé xe, năn nỉ ỉ ôi với bác cả buổi, bác cũng thương lắm, nhưng mà vẫn yêu cầu chép phạt nội quy cho chừa cái tính không cẩn thận. Những lần lén lẻn ra ngoài trường buổi trưa làm ván game mà bị bác bắt lại, thế nào cũng bị báo với ban giám hiệu nhà trường, rồi lại mếu máo chờ khi bị gửi thông báo về cho bố mẹ, thể nào cũng bị đòn quắn mông! Những lúc ấy sẽ giận bác lắm, nhưng chỉ cần nghĩ rằng bác làm vậy cũng chỉ là tốt cho mình, bác không muốn mình chỉ vì ham chơi mà bỏ mất thời gian nghỉ ngơi sau buổi học mệt mỏi là sẽ hết giận ngay.
Quý bác như vậy, nhưng cũng ít học sinh biết được bác tên là gì, bác sống ở đâu… Gần đây, khi tôi gặp cô hiệu trưởng để lấy thêm thông tin về bác, tôi mới biết bác tên là Lê Văn Miên, sinh năm 1963, bác ở phố Bùi Xương Trạch, phường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội. Bác về trường làm bảo vệ từ năm 2015 cho đến giờ cũng đã được 3 năm rồi. Trước khi về trường, bác đã từng làm bộ đội ở Thái Nguyên. Có lẽ những năm tháng làm bộ đội đã tôi luyện bác thành một con người nghiêm khắc, cứng rắn. thế nhưng sau khi về trường, sự cứng rắn ấy đã bớt đi nhiều phần và thay bằng sự thân thiện đối với các bạn học sinh.
Bác rất hay giúp các bạn học sinh. Ngày ngày, khi tôi đến trường thì đã thấy bác ở trong nhà gửi xe, chỉ dẫn cho các bạn chỗ gửi xe, hay xếp lại những chiếc xe để sai chỗ. Buổi trưa, bác đứng ở cổng trường, kiểm tra thẻ học sinh của từng bạn một để chắc chắn rằng những bạn này không ăn bán trú, đi về nhà và sẽ không đi ngang rẽ dọc. Khi tiếng trống tan trường vang lên, tôi vội chạy ào xuống nhà gửi xe thì đã thấy bác đứng đó, vừa nở một nụ cười hiền hậu chào chúng tôi, vừa thu những chiếc vé xe nhàu nát, vuốt phẳng rồi xếp thành một chồng ngay ngắn. Không chỉ giúp đỡ học sinh, bác còn giúp đỡ cả các thầy cô giáo ở trong trường nữa. Có những tiết dự giờ của các thầy cô vào tiết một sáng đầu tuần, không kịp kê bàn ghế thì bác sẽ đến trường vào ngày chủ nhật, chuẩn bị để sáng hôm sau, các cô có những chiếc bàn, chiếc ghế được kê ngay ngắn cho tiết dự giờ. Cũng bởi vậy mà các thầy cô cũng rất quý bác.
Hình ảnh của bác bảo vệ đối với chúng tôi- những học sinh trường Kim Giang, có lẽ đã là một hình ảnh đầy thân thuộc, một hình ảnh đặc biệt mà nếu bỗng dưng không được nhìn thấy nữa, chúng tôi sẽ cảm thấy thật hụt hẫng biết bao. Cứ nhớ đến những ngày đi học, những ngày mà bọn học trò ngồi đếm từng giây từng phút, mong chờ tiếng trống của bác đến đưa chúng tôi tạm rời xa khỏi những tiết học đầy căng thẳng, mong chờ hình ảnh của bác ở nhà gửi xe để được vào trường và mong chờ được nhìn thấy bác, để rồi bỗng dưng lại thấy yên tâm lạ thường. Bác giống như một ông bố của tất cả nhưng đứa con trường Kim Giang, một ông bố có thể làm tất cả vì con, một ông bố mà theo các anh chị khóa trên thì “các con chỉ việc học và chơi, còn cả thế giới cứ để bố lo”. Bác bảo vệ - người luôn đóng góp một phần quan trọng trong những kỉ niệm tại ngôi trường Kim Giang của chúng tôi, người mà chúng tôi, có lẽ ngay cả khi ra trường rồi cũng không thể nào quên. Để rồi một ngày nào đó, khi tình cờ nghe thấy tiếng trống trường, chúng tôi lại ngồi, bồi hồi nhớ lại những ngày tháng học cấp hai, nhớ lại hình ảnh lũ học trò ngồi đếm từng giây từng phút, chờ bác bảo vệ và tiếng trống của bác: “Tùng…tùng…tùng…”
Người viết bài
Nguyễn Diệu Linh Chi – Học sinh lớp 8A1